Những sự kiện bóng đá luôn tạo ra hiệu ứng lớn đến mạng xã hội. Bên cạnh lợi ích và tác động tích cực không thể phủ nhận, vẫn còn nhiều mặt trái, đặc biệt là trong văn hóa ứng xử.
Một trong những đề tài gây nhiều tranh cãi là nam streamer, YouTuber Độ Mixi (tên thật là Phùng Thanh Độ) dùng nhiều từ ngữ thái quá, thậm chí có phần tục tĩu để chỉ trích một nhà báo trong quá trình tác nghiệp ASEAN Cup 2024. Ở trận tiếp đón Singapore tại bán kết, nhà báo này đã quay, dựng và đăng tải clip về streamer Độ Mixi đến sân Việt Trì cổ vũ cho đội tuyển Việt Nam. Tiêu đề và nội dung clip chỉ đề cập đến chuyện một người nổi tiếng xuất hiện tại sân để ủng hộ ĐTQG.
Tuy nhiên, vấn đề bị đẩy lên cao trong phiên livestream sau đó của streamer Độ Mixi, khi xem clip về mình, nhân vật này liên tục sử dụng những từ ngữ tục tĩu khó chấp nhận để chỉ trích người quay clip. Nghiêm trọng hơn, streamer Độ Mixi còn có những phát ngôn mạt sát ngành nghề lẫn gia đình của người khác. “Nhà báo nó biết ngại thì lấy gì bỏ vào mồm”, streamer này dẫn lại một bình luận trên mạng xã hội. Độ Mixi còn đặt vấn đề: “Tôi không biết là trong cuộc sống gia đình, với anh em, bạn bè, họ hàng thì anh này sống như thế nào?”.
Có hai vấn đề cần nêu lên ở đây. Thứ nhất, streamer Độ Mixi có lẽ bức xúc vì “bị dí camera vào mặt”. Tuy nhiên, qua kiểm tra hình ảnh tình huống, có thể xác nhận nhà báo đứng đúng khu vực tác nghiệp, không hề tiếp cận quá gần nhân vật nổi tiếng này. Về luật, Căn cứ Điều 25 Luật Báo chí 2016, nhà báo có quyền “được khai thác, cung cấp và sử dụng thông tin trong hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật”.
Theo Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 thì cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình và việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Trường hợp sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Tuy nhiên, nếu sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ: Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
Sau phiên livestream của Độ Mixi, nhà báo đã chủ động gỡ bỏ clip về nhân vật này đồng thời lên tiếng xin lỗi. Tuy nhiên, việc quay clip một người nổi tiếng tại hoạt động thi đấu thể thao và nhằm lan tỏa thành công của đội tuyển Việt Nam không vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, có nhiều ý kiến không đồng tình với cách hành xử của Độ Mixi. “Tẩy chay kênh của Streamer kia vì quá tục tĩu và thiếu tôn trọng người khác, cổ xúy cho những thành phần xấu lên ngôi”, một tài khoản đánh giá. “Không hiểu tại sao lại thần tượng một người chuyên lên livestream chỉ để chửi thề cho thiên hạ nghe. Lan truyền trên mạng xã hội với những câu từ bậy bạ từ vậy để lại tác hại rất lớn. VTV từng lên phóng sự về những người nổi tiếng trên mạng xã hội nói năng tục tĩu rồi, trong đó có nhân vật này”, tài khoản khác đưa quan điểm.
Năm 2020, theo báo cáo do hãng Microsoft công bố, Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia có mức độ văn minh thấp nhất trong không gian mạng. Nhiều streamer ăn nói văng mạng đã trở thành tấm gương xấu cho giới trẻ noi theo. Người viết nhiều lần ngỡ ngàng khi trên xe buýt bắt gặp học sinh tiểu học, thậm chí mới lớp 1, lại sử dụng những từ ngữ vô cùng tục tĩu và có lẽ các em không hiểu hết ngữ nghĩa mà chỉ nói theo “thần tượng”.
Bản thân streamer Độ Mixi cũng từng “tự tin khẳng định bản thân đã chuẩn bị kỹ lưỡng, không nói bậy” trên mạng xã hội nữa, vậy nhưng lại “ngựa quen đường cũ”. Từ sự việc này cho thấy, người dùng mạng xã hội đang còn coi nhẹ văn hóa ứng xử trên mạng xã hội. Bản thân streamer chưa nâng cao ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng, phát ngôn hạn chế tối đa ngôn ngữ không trong sáng gây ảnh hưởng tới giới trẻ. Chính vì vậy, việc phát triển văn hoá, hành vi ứng xử trên mạng xã hội đang trở nên cấp thiết và đòi hỏi sự tham gia từ cả phía các cơ quan quản lý lẫn người dân, góp phần chung tay làm trong sạch môi trường không gian mạng
nguồn: https://cgvst.com/nha-bao-ha-quang-minh-phot-do-mixi-van-hoa-ung-xu-tren-mang-xa-hoi/