Theo chuyên gia văn hóa, công chúng cần phát huy quyền thanh tẩy đối với những nghệ sĩ vi phạm quy tắc chuẩn mực, cũng như đối với KOLs lợi dụng niềm tin công chúng để tạo drama trục lợi.
Những ngày qua, ồn ào tình ái của Streamer ViruSs và những người liên quan gần như chiếm sóng mọi nền tảng mạng xã hội. Các phiên livestream đấu tố, vạch trần nhau thu hút hàng triệu lượt xem, có thời điểm lên tới 1,6 triệu người theo dõi cùng lúc.
Streamer, nhạc sĩ ViruSs gây tranh cãi vì liên tục livestream phơi bày đời tư, kiếm tiền từ sự tò mò của khán giả.
Báo động showbiz ngày càng độc hại, xấu xí
Trao đổi với Tiền Phong, nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang cho rằng đây là những hành vi bất thường và đáng báo động.
“Chúng ta đang phải sống trong một xã hội mà quyền riêng tư đã thực sự không còn ‘riêng tư’. Việc tự phơi bày đời tư của mình lên mạng xã hội là quyền của mỗi người, nhưng với KOLs, người nổi tiếng thì việc ‘vạch áo cho người xem lưng’ theo kiểu ‘tự nhiên chủ nghĩa’ không còn đơn thuần là quyền nữa, đó là thái độ sống xem thường khán giả và người thân. Bởi nếu trân trọng khán giả, người thân, họ đã không tạo ra các đợt sóng drama câu view bất chấp để đạt cho được quyền lực ảo như vừa qua”, chuyên gia phân tích.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang, việc thao túng tâm lý người dùng mạng xã hội vào vòng xoáy của các drama là có ý đồ, thậm chí đích đến rõ nét trong các kịch bản mà nhóm KOLs đưa ra.
Buổi livestream đối đáp của ViruSs và rapper Pháo thu hút hàng triệu lượt xem.
“Tôi đọc đâu đó trên một số trang, người ta đã thống kê được con số 2 tỷ đồng mà ViruSs thu được trong phiên livestream trần tình về drama vừa qua. Để được comment trong phiên livestream đó, người dùng phải đăng ký trả tiền theo tháng từ 130.000 đến 150.000 đồng, và có tới hơn 4.000 comment trong phiên Live đó. Các KOLs trong ồn ào đã tạo ra một vòng xoáy bất ổn, đánh thẳng vào tâm lý tò mò của con người, từ đó đạt được lợi ích”, ông Ngô Hương Giang cho hay.
Chuyên gia cho rằng môi trường showbiz nhiễu loạn, độc hại từ nhiều năm nay, song gần đây sự phức tạp, khó kiểm soát trong các phát ngôn, hành động của KOLs, người nổi tiếng trở nên đáng báo động hơn.
Từ quảng cáo sai sự thật về sản phẩm, thao túng tâm lý người dùng mạng xã hội cũng chỉ nhằm mục đích đạt được các lợi ích về view, quyền lực số và tiền. Những kịch bản drama dạng này không phải tự nhiên mà có, nó là kết quả sản sinh trong một môi trường tự do sản xuất content, đánh vào tâm lý tò mò của những người trẻ dùng mạng xã hội.
Cần xử phạt toàn diện
Nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang nhận định những sự việc kể trên có ảnh hưởng xấu tới giới trẻ.
Thứ nhất, người trẻ sẽ hình thành tâm lý dễ dãi với bản thân và xã hội, coi mọi drama, bóc phốt, phơi bày thông tin cá nhân lên mạng xã hội là chuyện thường ngày. Đây chính là mầm mống gây ra bất ổn an ninh trật tự xã hội, cần sớm có biện pháp ngăn chặn.
Thứ hai, từ nhận thức sai lệch sẽ kéo người trẻ vào guồng xoáy của quyền lực ảo trên mạng xã hội, từ đó hình thành lối sống thiếu trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng.
Thứ ba, từ nhận thức và hành động sai lệch, người trẻ nghiễm nhiên coi các drama là nguồn content cần khai thác. Từ đó, hình thành đời sống văn hóa mới mang tên “văn hóa drama”, từ lời nói cho đến hành vi đều mang đậm dấu ấn drama, coi drama là thứ quyền lực mềm có thể đe dọa đến đời tư bất cứ ai.
Từ thực tế đó, chuyên gia gợi ý ba phương án để thanh lọc showbiz cũng như làm sạch không gian mạng.
Thứ nhất, cần định nghĩa lại thuật ngữ “showbiz” là gì? Ai, cá nhân, nghệ sĩ nào được xem là người nổi tiếng, KOLs thực sự. Phải làm nghệ thuật chân chính, hay chỉ đơn thuần là dùng chiêu trò cũng có thể trở nên nổi tiếng? Khi có các tiêu chí chính thống cụ thể thì cơ quan chức năng văn hóa sẽ căn cứ để xử lý những trường hợp “ngụy-showbiz” hoặc đã vào showbiz rồi mà sau đó bị tha hóa về lối sống?…
Thứ hai, cần có chế tài xử phạt thật nghiêm những KOLs, người nổi tiếng lợi dụng sự nổi tiếng để có những hành vi, phát ngôn ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội, thậm chí cần phong sát toàn diện nếu tiếp diễn nhiều lần.
Thứ ba, công chúng cần phát huy “quyền thanh tẩy” đối với những nghệ sĩ vi phạm các quy tắc chuẩn mực, cũng như đối với các KOLs lợi dụng niềm tin công chúng để tạo drama trục lợi.