Theo VKS, tổng số tiền bị cáo Trương Mỹ Lan đã nộp lại tương đương khắc phục được 1/4 hậu quả, nên đề nghị HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ông Chu Lập Cơ không kháng cáo nhưng cũng được đề nghị xem xét giảm nhẹ.
Hôm nay (3/4), phiên phúc thẩm vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2 bước vào phần tranh luận. Trước khi tranh luận, đại diện VKS trình bày quan điểm về vụ án.
Theo đại diện VKS, cấp sơ thẩm xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan về tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Rửa tiền” và “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới” là đúng người, đúng tội không oan sai.
Tuy nhiên, tính đến ngày 21/3, bị cáo đã khắc phục được khoảng 7.000 tỷ đồng ở giai đoạn 1 và 1.000 tỷ đồng ở giai đoạn 2. Theo VKS, tổng số tiền bị cáo đã nộp lại tính đến thời điểm này tương đương khắc phục được 1/4 hậu quả.
Đây là tình tiết mới nên đại diện VKS đề nghị tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Lan ở tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Hội đồng xét xử. Ảnh: Nguyễn Huế
Với đề nghị của bị cáo Lan xin được miễn 30 tỷ đồng tiền án phí vì theo quy định pháp luật, người cao tuổi trên 60 tuổi được miễn án phí, VKS cho rằng bị cáo không thuộc hoàn cảnh khó khăn nên không được xem xét.
Đối với kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của các bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc SCB), Bùi Anh Dũng (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị SCB) và Nguyễn Phương Anh (cựu Phó tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula), VKS cho rằng không có căn cứ để chấp nhận nên đề nghị HĐXX giữ nguyên án sơ thẩm.
Đối với kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của các bị cáo Ngô Thanh Nhã (em dâu bà Lan), Trương Huệ Vân, Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó tổng giám đốc SCB) và 18 bị cáo, VKS cho rằng tại phiên phúc thẩm, các bị cáo đã ăn năn hối cải, dù không có trách nhiệm liên đới bồi thường khắc phục hậu quả nhưng các bị cáo đã chủ động nộp tiền khắc phục.
Vì vậy, VKS đề nghị HĐXX xem xét giảm cho các bị cáo trên từ 6 đến 16 tháng tù.
Đối với bị cáo Chu Lập Cơ (chồng bà Trương Mỹ Lan), dù không kháng cáo nhưng theo VKS, tại phiên sơ thẩm bị cáo này đã tích cực nộp thêm tiền khắc phục hậu quả nên đề nghị HĐXX xem xét khi lượng hình.
Về kháng cáo xin gỡ bỏ lệnh phong tỏa tài khoản của bị cáo Bùi Anh Dũng, xét thấy số tiền trong tài khoản có liên quan đến vụ án nên cần tiếp tục phong tỏa các tòa khoản của bị cáo Dũng để đảm bảo cho nghĩa vụ thi hành án. Bị cáo Trương Mỹ Lan. Ảnh: Nguyễn Huế
Đối với kháng cáo yêu cầu gỡ bỏ các lệnh kê biên, phong tỏa các tài sản của bà Nguyễn Phương Hồng (nguyên Phó tổng giám đốc SCB), VKS xét thấy bị cáo Hồng là mắt xích quan trọng trong vụ án, nhưng những tài sản này chưa được làm rõ. Vì vậy, VKS đề nghị tiếp tục kê biên để Cơ quan CSĐT làm rõ.
Đối với yêu cầu kháng cáo của bị cáo Trương Huệ Vân đề nghị được nhận lại điện thoại và đồng hồ, VKS xét thấy tại phụ lục của bản án sơ thẩm tòa án cấp sơ thẩm đã trả lại cho bị cáo Vân một số tài sản không liên quan đến vụ án nên VKS đề nghị HĐXX kiểm tra, xem xét nếu không liên quan đến vụ án thì xử lý theo quy định. Các bị cáo tại tòa
Đối với kháng cáo của Ngân hàng SCB đề nghị ông Nguyễn Văn Liêm nộp lại 1.000 tỷ đồng. VKS xét thấy căn cứ vào hồ sơ vụ án và ông Liêm thừa nhận đã nhận từ bị cáo Trương Mỹ Lan 1.000 tỷ đồng thông qua Hồ Quốc Minh.
Số tiền này có nguồn gốc được rút ra từ ngân hàng SCB nên đề nghị HĐXX buộc ông Liêm phải nộp lại số tiền này để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ của bị cáo Lan. Tiếp tục ngăn chặn giao dịch đối với các tài sản của ông Liêm và Công ty địa ốc Thủ Thiêm để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ.
Đối với các bị hại kháng cáo không có tên trong danh sách bị hại, VKS xét thấy qua đối chiếu tại các phụ lục thì các bị hại này đã có tên trong danh sách nên không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo.
Đối với các bị cáo kháng cáo yêu cầu tính lãi phát sinh trong các lô trái phiếu, VKS xét thấy đây là vụ án hình sự nên các bị cáo phải bồi thường số tiền đã chiếm đoạt (số tiền gốc khi mua trái phiếu) không có căn cứ để xem xét yêu cầu tính lãi.